TTMT với các hoạt động thiện nguyện chính gồm: Khám chữa bệnh; Mổ đục thủy tinh thể; Chăm sóc thiếu nhi mồ côi, khuyết tật; Khuyến học; Xây dựng cầu đường nông thôn,... TTMT rất vui chào đón bạn tham gia các hoạt động của đoàn.

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Một vài khoảnh khắc trên đất Cambodia

Chuyến đi từ thiện tại Cambodia là chuyến đi thứ 4 mà tôi được tham gia cùng đoàn TTMT.

Sau lần đọc entry “Những giọt nước bé nhỏ” của chị Thúy Hà, tôi thầm nghĩ chắc mình sẽ không viết một entry nào nữa vì tôi cũng có tâm trạng như chị: “mỗi chuyến đi, đến một vùng sâu, vùng xa khác nhau, nhưng những cảnh đời khốn khó sao có cùng chung hoàn cảnh giống nhau đến thế. Tôi nghĩ nếu mình viết mà cứ lặp đi lặp lại hoài sự nghèo khổ của người dân mình, ca ngợi sự nhiệt tình của thành viên đoàn, nói mãi về sự tận tâm của đội ngũ Y, Bác sỹ…mà không có cách gì giải quyết tận gốc vấn đề thì cũng chẳng ích gì” (trích entry “Những giọt nước bé nhỏ”).

Tuy nhiên, chuyến đi Cambodia - dù chỉ thoáng qua nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận chút sắc màu, hương vị và con người của đất nước Chùa Tháp để khi trở về Việt Nam tôi lại phả lòng mình vào entry này…

Kompong Cham - Cambodia - Ta thấy cuộc đời bớt những xô bồ…

Kompong Cham - Cambodia - nơi ta đã lưu giữ những mảnh ghép bình dị của cuộc sống…

Vẫn là những ngôi nhà tạm bợ…

Vẫn là những cuộc đời lam lũ…

Kompong Cham – một vùng đất mộc mạc…

Tôi đã nhìn thấy em trong chiếc áo cũ kỹ và có lẽ ta không còn đoán được màu sắc trước đây của chiếc áo em mặc là màu gì…


Tôi đã nhìn thấy những cụ già, các em nhỏ…- những mảnh đời của cuộc sống thực giữa lòng Cambodia


Có phải cuộc sống mà tôi hòa mình vào trong những giờ khắc ngắn ngủi ở Kompong Cham từ lâu đã như thế và sẽ tiếp tục như thế đến khi nào?

Không điện

Không nguồn nước sạch…

Tìm đỏ cả mắt ta mới thấy một trung tâm y tế công cộng...

Chuyến đi lần này, sự bất đồng về ngôn ngữ là điều mà ai cũng phải nghĩ đến. Ngoài sự trợ giúp về việc phiên dịch từ phía nước bạn, các thành viên của đoàn TTMT đã “tự thân vận động” giao tiếp với người dân Cambodia bằng tay, bằng ánh mắt,…để chuyến khám, chữa bệnh đạt được kết quả tốt đẹp

Nhiều thành viên còn nhanh chóng học cách phát âm vài từ cần thiết như: chư clai na ( đau ở đâu) chăm tít ( ngồi chờ), O kul ( cám ơn)...

Đôi khi, cảm xúc không cần phải thể hiện qua lời nói…

Đôi khi, bao nhiêu lời yêu thương cũng chẳng thể giá trị bằng một hành động cụ thể, bằng một ánh mắt ấm áp…

Đôi khi, ta hiểu rằng vẫn có những lời nói trong lặng yên…


Tôi đã nhìn thấy những người mẹ, người chị đến khám tại phòng khám siêu âm. Có lẽ đây là lần đầu tiên họ tiếp xúc với những thiết bị khám chữa bệnh hiện đại như thế nên họ rất e dè, ngại ngùng…

Tôi đã nhìn thấy em – một cô bé đưa bà ngoại của mình đến khám bệnh rồi lại vui vẻ lội bộ một quãng đường xa mua đá giúp cho bộ phận hậu cần…

Tôi đã nhìn thấy chị - một người mẹ trẻ 24 tuổi…Chị ôm đứa con gái bé bỏng chưa tròn một tháng tuổi của mình đến khám bệnh. Nhìn phía sau lưng của em bé, ai nấy cũng đều chạnh lòng..


Cuộc trò chuyện ngắn ngủi cùng chị nhờ sự phiên dịch của một bạn sinh viên Cambodia , tôi chỉ kịp biết đôi điều...

Và còn nhiều, còn rất nhiều những khoảnh khắc ngắn ngủi khác...

Ai đã một lần dạo bước trên đại lộ Monivong…

Ai đã một lần nhìn thấy Cambodia về đêm tại những khu trung tâm chắc hẳn sẽ có phút giây choáng ngợp trước vẻ hào nhoáng…

Cambodia về đêm vẽ lên trong bạn, trong tôi một đô thị ồn ào náo nhiệt…

Nơi đây là những casino lấp lánh ánh đèn màu.


Nơi đây là những nhà hàng, khách sạn sang trọng…

Nơi đây bạn sẽ thấy những em nhỏ được đến trường, được đến những khu vui chơi trong chiếc Lexus sáng choang…

Kompong Cham tách biệt khỏi đô thị ồn ào ấy…

Kompong Cham vẽ lên trong bạn, trong tôi những con đường đất đỏ, bụi tung mịt mù…

Nơi này bạn sẽ thấy những em bé mặt mũi lấm lem bụi đất…Mong sao cuộc mưu sinh đừng làm mất đi trong đôi mắt em những tia sáng long lanh của tuổi thơ

Nơi này bạn sẽ gặp những người dân quê lam lũ... cả cuộc đời không hề biết đến việc chăm sóc sức khỏe tại những trung tâm y tế...


Hạnh phúc là một cuộc hành trình chứ không phải là đích đến…

Ban đầu, bạn, tôi,… tham gia những chuyến đi từ thiện có thể vì sự ham vui chăng?

Nhưng rồi hạnh phúc mà ta nhận được trên mỗi cuộc hành trình sẽ giúp chúng ta khe khẽ thấy tim mình đập một nhịp bình yên...

Trong chuyến khám bệnh tại Cambodia, vì không hợp khẩu vị nên có bác sĩ chỉ ăn sáng với một chén bún và nước tương nhưng họ vẫn vui vẻ làm việc đến tận 12h trưa...

Bữa ăn trưa cũng qua loa...nhưng nụ cười vẫn theo các thành viên suốt buổi chiều hôm ấy...

Ngày mai, có thể bạn sẽ đi đến một vùng đất xa xôi nào đó để sinh sống...

Ngày mai, tôi có thể trở về mảnh đất miền Trung của mình...

Nào ai biết ngày mai rồi sẽ ra sao…

Vậy thì bạn và tôi hãy “cháy” hết mình cho những chuyến đi như thế ngay khi chúng ta còn có thể...

Hãy cứ sống hết lòng với cảm xúc chân thành qua những khoảnh khắc ngắn ngủi trong mỗi hành trình

Yêu thương ta trao nhau qua những chuyến đi từ thiện như cơn mưa làm vơi đi một phần sự khô cằn của vùng đất mà ta đặt chân đến...

Gieo yêu thương bằng tấm chân tình thì chẳng khi nào bạn và tôi lại nhận về nỗi đau…

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

CHƯƠNG TRÌNH CHUYẾN ĐI KHÁM BỆNH VÀ CẤP THUỐC MIỄN PHÍ CHO NGƯỜI NGHÈO TẠI KOMPONG CHAM – CAMBODIA TỪ 11-13/12/2009

Ngày thứ sáu 11/12/2009:
15g30 : Tập hợp, vận chuyển thiết bị, thuốc men lên xe
16g: Khởi hành, đón YBS tại Bệnh viện Từ Dũ, ăn bánh mì trên xe.
16g – 20g: Di chuyển đến Cửa khẩu Việt Nam – Cambodia
20g – 21g: Làm thủ tục qua biên giới, nghỉ lại tại Khách sạn Casino sát biên giới.
Ngày thứ bảy 12/12/2009:
5g – 5g30: Thức dậy, vệ sinh cá nhân.
5g30–7g30: Di chuyển đến điểm khám bệnh cách Cửa khẩu 70km
7g30 – 8g: Ăn sáng tại điểm khám bệnh.
8g -12g: Khám bệnh gồm Nội TQ, Siêu âm, Xét nghiệm, Nhi khoa, Nha khoa, Phụ khoa,… và cấp thuốc cho bà con nghèo.
12g – 13g: Nghỉ ăn trưa
13g – 16g: Tiếp tục khám bệnh và cấp thuốc cho bà con.
16g – 17g: Dùng cơm chiều
17g – 20g: Di chuyển về PhnomPenh nghỉ đêm
20g – 21g: Nhận phòng khách sạn, nghỉ ngơi tự do: Karaoke, Uống Cafe,..
Ngày Chủ nhật 13/12/2009:
7g – 7g30: Thức dậy, vệ sinh cá nhân
7g30 – 8g: Trả phòng, ăn sáng tại Khách sạn.
8g – 10g: Tham quan Hoàng cung, Chùa Vàng, Chùa Bạc… (tự túc tiền vé)
10g–11g30: Mua sắm tại Chợ Thmay
11g30-12g30: Ăn trưa tại Nhà hàng SORYA – PhnomPenh
12g30: Lên xe, khởi hành về TPHCM
19g: Ăn tối tại Trảng Bàng, chia tay hẹn chuyến đi sau…..
Lưu ý:
1. Vì là chuyến từ thiện tại nước ngoài nên tuyệt đối tuân thủ theo giờ giấc và qui định chung của đoàn. Không tự ý đi khỏi khu vực tập trung của đoàn. Luôn mang theo Passport.
2. Xe sẽ khởi hành đi và về đúng giờ để kịp qua biên giới, thành viên nào đến trễ thì tự đăng ký vé đi, về tại các điểm bán vé: Xe Mai Linh (855.23) 211 888 - (848) 3920 2929 hoặc xe SAPACO (855) 6376 1434 – 012 42 66 88. Xe không nán chờ các trường hợp đi trễ.
3. Các thành viên tự trả tiền vé tham quan, tiền nước và tiền điện thoại tại KS. Đoàn chỉ thanh toán tiền phòng và tiền ăn theo sắp xếp của Ban Tổ Chức.
Họ đang tái thiết lại đất nước nhưng cuộc sống vẫn còn rất nghèo
Họ đang chịu nhiều thiếu thốn về y tế. Cơ sở hạ tầng còn yếu kém: điện, đường, trường, trạm y tế, nước sạch,.. có nơi hầu như không có.
Họ vui mừng và trân trọng khi nhận quà tặng của các tổ chức từ thiện.
Họ luôn trật tự, không chen lấn khi nhận quà, Tư tưởng Phật giáo thấm sâu vào đời sống của họ: "số ai hưởng thì sẽ được hưởng" nên không cần phải bon chen.
Bé gái này nếu ở Việt Nam, được phát hiện và chữa trị sớm, thì đâu đến nỗi chịu cảnh mù lòa.
Vòng luẩn quẩn: bệnh tật > đói nghèo > bệnh tật > đói nghèo > bệnh....đã đưa đẩy nhiều trẻ em phải đi xin ăn!
Rất nhiều, rất nhiều trẻ em mắc những chứng bệnh mạn tính, do không đủ điều kiện chữa trị và thiếu thốn thuốc men, như em bé này sớm mắc căn bệnh toàn thân da như vảy rắn.
hoặc cụ già này để đến biến chứng hoại tử phải đoạn chi.
Khi máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn ...
.. thì việc chăm sóc sức khỏe cho họ là một nghĩa cử cao quý!
dẫu biết rằng con đường phía trước còn nhiều gian khổ...
nhưng những ánh mắt trông chờ...
rồi những nụ cười héo hắt
luôn thúc giục anh em Từ thiện Minh Tâm tiếp tục cuộc hành trình

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009

Đi Miền Trung - Đến với Nghĩa Tình

Là thành viên của đoàn Từ thiện Minh Tâm, xung phong tham gia chuyến cứu trợ đồng bào nghèo Miền Trung chống chọi với bão lụt, Bạn Lệ Nghi đã có ghi chép về chuyến đi trong 4 ngày, từ ngày 22-25/10. Chia sẻ những khó khăn của đồng bào nơi vùng bão lũ và với góc nhìn của một Phật tử, Lệ Nghi đã cảm được những "duyên lành" trong chuyến đi để đoàn TTMT có thể hoàn thành được trọng trách mà các Vị Ân Nhân đã phó thác: mang số tiền ủng hộ đến trực tiếp những người nghèo đang gặp hoạn nạn. Những "điều kỳ diệu" diễn ra trong chuyến đi khiến các thành viên trong đoàn củng cố niềm tin và vững bước trên các chặng hành trình! Mời các bạn cùng chia sẻ!
http://upanh.com/uploads/27-Oct-2009/bp73stof9omy4d9q3859_tn_640x480.jpg
Về lại TP.HCM cách đây hơn 1 tuần rồi, thế mà lòng tôi vẫn còn cứ ở mãi tận 'miền Trung'!... Có lẽ không cần phải kể chi tiết đời sống cơ cực, nghèo khổ của những người dân miền Trung như thế nào sau khi bị cơn bão số số 9 Ketsana tàn phá, đặc biệt là người dân ở thôn Triêm Tây và người dân ở ngoài huyện đảo Lý Sơn vì đã có những đoạn video clip và 4 albums hình mà a.Thuần và Quí ghi lại.
Tôi chỉ xin phép được viết lại những cảm xúc của mình ngõ hầu mong lưu lại những kỉ niệm đẹp và ấn tượng trong suốt chuyến đi mà thôi.

http://upanh.com/uploads/27-Oct-2009/symvjtlmmiqythkrq62.jpg
11h30' ngày 22/10 là ra sân bay TSN để lên đường đi miền Trung, thế mà đêm khuya của ngày 21/10 tôi lại âm ấm sốt. "Vậy là xong! Mình không thể nào đi được miền Trung cùng mọi người rồi!" tôi lo lắng suy nghĩ. Đến rạng sáng thì tôi đã bớt sốt nhưng biết là sức khỏe như vậy thì 'nằm nhà' là điều chắc chắn. Mọi việc đã được sắp xếp xong xuôi hết rồi: vé máy bay đã xuất từ mấy ngày trước đó, anh Trí - người bên Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Quảng Ngãi (sau cơn bão thì đã ra đảo Lý Sơn ở cùng với gia đình ngoài đó) - sau khi biết tôi và đoàn chuẩn bị ra ngoài đảo Lý Sơn, đã luôn gọi điện hỏi thăm khi nào đoàn ra thì nhớ gọi điện cho hay để anh ấy ra đón đoàn, rồi anh Mười Thêm (ở đảo Lý Sơn và là người ăn trường chay) đã dành phần lo suất cơm cho đoàn sau khi biết trong đoàn cũng có người ăn trường chay như anh.
http://upanh.com/uploads/27-Oct-2009/ez83541i9ltesn0odvzr.jpg
Rồi nào là mong được gặp em Hằng - thành viên mới ở TP.HCM, em Nga - thành viên ở Đà Nẵng. "Trời ơi, tôi mà không đi được là tôi mắc nợ mọi người nhiều lắm!" Chưa bao giờ tôi lâm vào hoàn cảnh như vầy, sắp đến ngày đi rồi mà lại bị bệnh. Tôi cũng chưa biết tính sao! Đành nhắn tin cho mọi người trong đoàn biết để tránh cho đoàn bất ngờ vì số người tham gia chuyến đi lần này vốn đã rất ít, đặc biệt là nữ. Thương nhất là em Hằng, khi biết tôi bị bệnh đã liên tục nhắn tin hỏi thăm tình hình sức khỏe tôi như thế nào...
http://upanh.com/uploads/27-Oct-2009/yl0i4snp3tup6vy4d92m.jpg
Đến tối ngày 21/10 mà tôi vẫn chưa khỏe hẳn, nhưng vẫn xếp sẵn những giấy tờ quan trọng và đồ dùng cần thiết cho chuyến đi vào vali dù trong lòng biết xác suất 80% là 'bị' ở nhà. Lòng buồn, tiếc và lo lắm!...
Khoảng 6h00' sáng 22/10, em Hằng lại nhắn tin hỏi thăm sức khỏe. Dù sức khỏe chưa thật ổn, dù xác suất ở nhà vẫn còn cao lắm nhưng tôi vẫn nhắn tin cho em là "sức khỏe đã đỡ nhiều" coi như cũng gởi gắm lòng cầu mong của mình vào đó. Rồi sau đó thì chuyến bay bị hoãn lại đến 14h20', coi như trong cái rủi còn có cái may: có thêm vài tiếng đồng hồ để theo dõi sức khỏe của mình để tôi có thể chắc chắn là tôi đã đỡ nhiều, là tôi sẽ không làm trở ngại cho đoàn một khi đã tham gia...May mắn và ngạc nhiên thay, sức khỏe của tôi tự nhiên ổn định trong suốt cả chuyến đi. Đó là điều kì diệu thứ nhất mà tôi trải nghiệm được trong chuyến đi này!
http://upanh.com/uploads/27-Oct-2009/pwbr82q04d0adnj8d21n.jpg
Điều kì diệu thứ hai thì dành cho cả đoàn... Theo hẹn thì anh chị Phật tử ở Đà Nẵng sẽ đón đoàn tại khách sạn lúc 6h00 ngày 23/10 để 7h00 đoàn kịp giờ cùng mọi người làm lễ cung nghinh và chiêm bái xá lợi Phật ở chùa Chơn An - Vĩnh Điện (huyện Điện Bàn - Quảng Nam), sau sẽ cùng sư cô đi thăm và tặng quà cho 137 hộ ở thôn Triêm Tây.
http://upanh.com/uploads/27-Oct-2009/6jdkk0clbzpho87172g.jpg
Kế hoạch là vậy, nhưng khoảng 7h00 mọi người mới bắt đầu khởi hành trong cơn mưa lất phất. Mấy chị Phật tử và tôi cứ tiếc hùi hụi vì nghĩ đã để lỡ một dịp may hiếm có trên đời nếu không tham dự được buổi lễ đó. Thế nhưng, mưa mỗi lúc nặng hạt và điều kì diệu đã xảy ra: vì mưa to nên sư cô phải chờ cho dân đến đủ (chùa có tặng quà cho dân nghèo ở xã Điện Phương do đoàn của thầy Nguyên Trí phát tâm sau khi làm lễ cung nghinh xá lợi Phật), vậy là vô hình chung, đoàn kịp giờ làm lễ cùng với mọi người...
http://upanh.com/uploads/27-Oct-2009/3ucsbx7fdh1j46s6ppw.jpg
Ôi, thật là một niềm hạnh phúc lớn lao cho Phật tử nói riêng và cho mọi người nói chung khi có cơ duyên thù thắng đến như vậy! Quì lạy Phật trong lúc làm lễ mà lòng tôi dâng trào một niềm cảm xúc khó tả nên lời: "Ơn Phật, Bồ Tát đã xui khiến cho cơn mưa mỗi lúc một lớn để con và mọi người kịp giờ tham dự buổi lễ cung nghinh và chiêm bái xá lợi Phật!". Thật là "Đạo cảm giao không thể nghĩ bàn."!
http://upanh.com/uploads/27-Oct-2009/44wj041satvueezuvmyc.jpg
http://upanh.com/uploads/27-Oct-2009/mi2pnoosj0dg7rlfn95p.jpg
Và rồi điều kì diệu thứ ba lại xuất hiện... Đó là cả ngày 23/10, đoàn phải 'dầm mình trong mưa' để đến thăm và tặng quà cho các hộ nghèo ở thôn Triêm Tây.
http://upanh.com/uploads/27-Oct-2009/br3d2d7hgujojb3xjzbd.jpg
Mưa rất to khi đoàn đã yên vị trên xe lúc trên đường đi Quảng Ngãi nghỉ qua đêm để sáng hôm sau ra huyện đảo Lý Sơn. Mưa dầm mưa dề kể từ khi đoàn ngồi trên xe cho tới khi đoàn quay trở về khách sạn nghỉ ngơi sau khi ăn tối.
http://upanh.com/uploads/27-Oct-2009/kwfkezipw7ps1iit6fqd.jpg
Mưa làm cho mọi người trong đoàn "thêm xót xa cho những người dân nghèo miền Trung chưa có tiền lợp lại mái nhà, thêm lo cho chuyến đi sáng mai có ra được Đảo Lý Sơn?" (trích TTMT)...
http://upanh.com/uploads/27-Oct-2009/jdokfcdkk8ghnooki2hr.jpg
Vậy mà, lạ thay! Thời tiết sáng ngày 24/10 khá tốt: nắng nhẹ và se lạnh. Như thế là đoàn đã có thể đến với người dân ở trên huyện đảo Lý Sơn như mong đợi!... Dù sau khi xuống tàu, con người tôi cũng chòng chành, lảo đảo do đứng trên boong tàu 'chơi' và ngắm những con sóng mà lúc đó biển động cấp 3 - 4, nhưng ra được tới Đảo là lòng tôi và mọi người vui lắm rồi.
http://upanh.com/uploads/27-Oct-2009/4ejb8lqbifnqujutk.jpg
http://upanh.com/uploads/27-Oct-2009/lsepxs252k5pf40vsko1.jpg
Ra được đảo, đoàn sẽ thăm và tặng quà cho 100 hộ có đời sống còn rất khó khăn do chưa kịp và chưa thể khắc phục được sau cơn bão theo đúng như lời hứa với các vị ân nhân đã chung tay đóng góp với đoàn.
http://upanh.com/uploads/27-Oct-2009/vosa90efiswumly8nhc.jpg
Ra được đảo, đoàn sẽ đến được với những người dân nghĩa tình đang chờ đoàn ngoài đó: gia đình anh Trí, gia đình anh Mười Thêm, gia đình anh Hồng, em Thu, cô Chín, anh Đặng Văn Tôn,...!
http://upanh.com/uploads/27-Oct-2009/av33vpo7ya4fitt2oco.jpg
Có phải ông Trời cũng đồng cảm và cảm động với tấm lòng của những người dân ở huyện đảo dành cho đoàn hay không, mà thời tiết vào buổi sáng của cái ngày mà đoàn phải rời đảo để về đất liền rất tốt (25/10). Như vậy đoàn có thể quay về đúng hẹn và bình an!...
http://upanh.com/uploads/27-Oct-2009/6c3zy1b1d5sv6ge0d90f.jpg
Tạm quên đi những hình ảnh đau buồn của những ngày hôm qua khi tận mắt chứng kiến những cảnh đời, những mảnh đời còn quá cơ cực lầm than, đoàn trở về thành phố mang theo trong lòng đầy ấp những tình cảm, những nghĩa tình thân thương của những người dân miền Trung mà có lẽ không ai trong đoàn có thể quên được!... Mong sẽ còn duyên để gặp lại mọi người!... Chào nhé miền Trung thân thương!
http://upanh.com/uploads/27-Oct-2009/aa19fhhovo16jh6rd9ob.jpg

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2009

Một thoáng Tràm Chim

Tham gia chuyến về Tràm Chim cùng TTMT có trên 40 bạn trẻ. Hầu hết đều đã đi làm, số còn lại đang cắp sách đến Trường, trong số đó có Thục Quyên - cô SV Đại học KHXHNV. Chuyến đi này là chuyến thứ hai, Quyên đi cùng TTMT. Trong buổi biểu diễn múa rối, thấy một em bé xem một cách say sưa, em đến bắt chuyện làm quen. Cậu bé ngó trân trân, không trả lời. Cha của cậu vội vàng xin lỗi và báo cho biết cậu bé bị điếc (khiếm thính) từ nhỏ nên không nói được. Ấy vậy mà cậu bé ngồi xem chăm chú đến hết chương trình mới chịu về. Dưới đây là bài viết của Thục Quyên với nhiều cảm xúc về những trẻ em nơi vùng "đất lành chim đậu" này. Xin được giới thiệu đến các bạn...
Chuyến đi tặng quà cho trẻ em 6 xã vùng đệm Vườn Quốc Gia Tràm Chim của đoàn Từ thiện Minh Tâm (TTMT) – khoảnh khắc tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại cảm xúc trong lòng nhiều người. Rừng Quốc Gia Tràm Chim – Tam Nông – Đồng Tháp thường được ví von là “hòn ngọc của đồng bằng sông Cửu Long” nhưng về Tràm Chim mùa nước nổi, chúng ta bắt gặp nhiều hình ảnh hiện lên rất thực và xót xa.
user posted image
Về Tràm Chim mùa nước ngập trắng đồng, rừng tràm xào xạc như âm thầm kể cho bạn – cho tôi về những cuộc đời, những khó khăn của người dân nơi đây.
http://upanh.com/uploads/16-Sep-2009/f8c5l48xe4fstgmt2tr7.jpg
18h – 12/9/09 - Mảnh đất này đón đoàn TTMT bằng một cơn mưa chiều khá nặng hạt. Mưa đến bất ngờ và cũng ra đi bất ngờ. Dường như trời đã không phụ lòng người.
Giữa cái bao la của đất trời Đồng Tháp Mười, của bức tranh vắng lặng, con người hiện lên như một cái phẩy bút nhẹ nhàng tựa lông hồng của người họa sĩ. Những ngôi nhà nhỏ liêu xiêu, những cây cầu vắt ngang,…mang đặc trưng của miền sông nước đem đến cho lòng người một thoáng yên bình. Đang vui sông nước lại buồn tênh vì gió, vì mây trời dường như đang kể về những nhọc nhằn sớm khuya của cư dân vùng “đất lành chim đậu”.

Tháng 9 – trong khi trẻ em thành phố xúng xính trong quần áo mới, cặp xách mới đến trường thì những em nhỏ miền quê này vẫn đến trường trong những chiếc cặp đã sờn cũ, những chiếc áo sơ mi trắng đã ngả màu.
http://upanh.com/uploads/16-Sep-2009/gi0quij0xmar8y2vn8el.jpg
Khi nghe tin đoàn TTMT về Tràm Chim tặng quà đầu năm học cho các em thiếu nhi, niềm vui không chỉ lấp lánh trên gương mặt của các em mà còn hiện trên gương mặt ba mẹ của các em.
http://upanh.com/uploads/16-Sep-2009/gowdmdfi4580jlp0mmdu.jpg
Thiên nhiên Tràm Chim phong phú là thế nhưng cái nghèo, cái khó vẫn đeo bám không ít gia đình. Sống trên mảnh đất mà “sáu tháng đồng khô cỏ cháy, sáu tháng nước ngập trắng đồng” và quy định cấm đánh bắt trong vườn Quốc Gia để bảo vệ môi trường sinh thái thì những nhu cầu về mặt vật chất đã khó khăn trăm bề thì họ nào nghĩ đến những đòi hỏi thiết yếu về mặt tinh thần. Ai nấy đều thấy xúc động khi bắt gặp hình ảnh những cô bé, cậu bé tập trung về nhà văn hóa huyện từ rất sớm.
Thương lắm những đôi mắt tròn xoe ngơ ngác trước màn biểu diễn múa rối ngộ nghĩnh.
Chẳng thể nào quên được hình ảnh cậu bé khiếm thính với đôi mắt buồn đến nao lòng. Ba của em sau một ngày đi làm thuê vất vả đã lặn lội một quãng đường xa chở em đến nhà văn hóa huyện để em được xem màn biểu diễn múa rối.
Thương em phải gồng mình chống chọi với bệnh tật khi mà gia đình em không đủ điều kiện cho em được khám, chữa bệnh. Thầm mong những nhân vật trong màn múa rối dễ thương sẽ theo em vào giấc ngủ khi đêm về. Em không thể nghe thấy những âm thanh quanh mình, không thể hò reo cùng bạn bè nhưng đôi mắt em lại nói lên được bao điều.

Thương lắm những em nhỏ phải đến trường với chiếc dép sắp đứt quai để rồi khi được thử đôi dép vừa vẹn với chân của mình, em cười thật tươi! Có cô bé may mắn hơn bạn bè khi được mẹ chắt chiu may cho em chiếc áo trắng đến trường. Năm học mới này, niềm vui của em còn được nhân lên khi em được tặng cặp, vở, dụng cụ học tập.
Còn biết bao điều mà ta có thể cảm nhận được từ chuyến đi về Vườn Quốc Gia Tràm Chim. Khi đi tắc ráng vào trong khu vực rừng Quốc Gia là giây phút ta được thả hồn cùng sông nước. Chợt bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ đang chèo xuồng trôi xuôi trên dòng nước mênh mông.

Chiếc xuồng bé nhỏ, đơn độc ấy chở những bông hoa sen, hoa súng mà họ vừa hái được.
Chiếc xuồng còn chở sự cơ cực của một đời người phụ nữ, người mẹ vùng Đồng Tháp Mười.
Mỗi mái chèo xuôi ngược dòng nước là cả nỗi nhọc nhằn, chứa đựng cả tình yêu thương âm thầm, bền bỉ của họ dành cho cả gia đình.

Tạm biệt Tràm Chim, Đoàn TTMT trở về Sài Gòn trong cơn mưa chiều tầm tã. Mưa như trút hết mọi bộn bề của đô thị sầm uất…

Thành phố đã lên đèn từ lúc nào.

Một cái Tết Trung Thu nữa lại cận kề…

Những ngày này đi trên phố, ta sẽ bắt gặp hình ảnh trẻ con thành phố được ba mẹ dắt tay vào những tiệm bánh trung thu sang trọng, trên tay các em là những đồ chơi trung thu rực rỡ sắc màu. Lòng xót xa và thầm hỏi không biết mùa trung thu năm nay, các em nhỏ vùng Tràm Chim sẽ đón trung thu như thế nào?
“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn” (CLV)

Nơi nào có bước chân TTMT đi qua cũng nặng hồn nơi ấy. Một thoáng Tràm Chim – một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng lại gieo vào lòng người nhiều cảm xúc khó phai.
http://upanh.com/uploads/16-Sep-2009/iwv4uqt2vlc065qaozsn.jpg