TTMT với các hoạt động thiện nguyện chính gồm: Khám chữa bệnh; Mổ đục thủy tinh thể; Chăm sóc thiếu nhi mồ côi, khuyết tật; Khuyến học; Xây dựng cầu đường nông thôn,... TTMT rất vui chào đón bạn tham gia các hoạt động của đoàn.

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2009

Đường ra Phú Quốc

Sau chuyến mổ mắt tại Quảng Nam, đoàn BS TTMT điều trị chiropractic đi tiếp Tây Ninh, Long Điền. Mỗi nơi giúp điều trị cả ngàn dân nghèo. Nhiều chứng bệnh mãn tính nan y đã được điều trị hiệu quả. Riêng tại Long Điền, đoàn lưu lại 3 ngày khám điều trị cho dân với kết quả và tình cảm tốt đẹp. Sau đó đoàn đã lên đường đi Phú Quốc để tiếp tục điều trị cho dân nghèo ngoài Đảo và chuẩn bị cho đợt mổ đục thủy tinh thể vào cuối năm. Loạt video clip này giới thiệu về chuyến đi Phú Quốc - hòn đảo giàu đẹp của đất nước nhưng còn nhiều thiếu thốn về y tế, về chăm sóc sức khỏe cho dân nghèo.

Cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất, chỉ trong hơn một giờ bay, TTMT đã có mặt tại Đảo. Nhìn trên máy bay, hòn đảo tựa như con cá nằm dài theo hướng Bắc Nam, há miệng hướng về Vịnh Thái Lan. Bao quanh Đảo là hàng chục Bãi tắm tuyệt đẹp, nguyên sơ với thảm thực vật rừng phong phú, bao phủ gần hết phía Bắc của Đảo. Với sự giúp đỡ của anh Hoàng (chúng tôi thường gọi đùa là Chúa Đảo) và anh Dũng- một guide tour chuyên nghiệp chở chúng tôi bằng xe gắn máy, TTMT đã làm một vòng khảo sát cho chuyến khám bệnh và mổ mắt từ Thị trấn Dương Đông ngược lên phía Bắc, cắt ngang Rừng Quốc Gia. vòng qua hướng Tây đến Gành Dầu, Cửa Cạn và quay về lại thị trấn Dương Đông


Tại Bãi Rạch Vẹm có một ngôi biệt thự rất đẹp nhìn ra biển Phú Quốc - Biệt thự Ngọc Lan. Chủ nhân là một Việt kiều Pháp đã khéo chọn nơi phong cảnh hữu tình này xây biệt thự nghĩ dưỡng. Hai hàng hoa trồng dọc theo con đường lát đá đưa du khách ra bãi cát trắng mịn và làn nước trong xanh nhìn tận đáy. Những phút dừng chân thư giãn êm đềm tại ngôi biệt thự thơ mộng để chuẩn bị chặng hành trình kế tiếp đến Gành Dầu và Bãi Dài - bãi biển nổi tiếng xếp trong Top 6 bãi biển đẹp nhất thế giới!


Rời Bãi Rạch Vẹm,tiếp tục con đường băng qua Vườn Quốc Gia Phú Quốc.Khu rừng tuyệt đẹp với khí hậu mát lạnh như vùng ôn đới, trên cây từng đàn khỉ chuyền cành chào đón TTMT. Con đường đất đỏ băng rừng dài 20km với 18cây cầu bắc ngang như đưa lữ khách lạc vào cõi thiên thai. Cuối con đường là Xã Gành Dầu với Đền Thờ Vị Anh hùng Nguyễn Trung Trực nổi tiếng. Thắp nén nhang tưởng nhớ đến Ngài, TTMT tiếp tục lên đường ra Bãi Gành Dầu - vùng biên ải tươi đẹp của Tổ Quốc, vùng biển giáp ranh gần nhất với nước bạn Campuchia với bãi biển hình vòng cung dài khoảng 500m được bao bọc bởi hai vồ núi nhô ra biển, cát trắng mịn màng, nước biển xanh thẳm, trong lành nhìn tận đáy.

Từ Gành Dầu đến Bãi Dài chỉ vài cây số, Bãi Dài được bao bọc bởi dãy núi Bãi Dài với bờ cát bằng phẳng kéo dài 8km được ABC News bình chọn đứng đầu trong số 5 bãi biển đẹp và sạch, gần như nguyên vẹn còn ít người biết tới trên thế giới. Xa xa ẩn hiện trong làn nước trong xanh là Đảo Đồi mồi, nơi quần cư sinh sản của loài động vật quí hiếm này. Tiếp Bãi Dài là Bãi Cửa Cạn chạy dài theo hướng Đông Nam. Rạch Cửa Cạn, ở vào phía bắc đảo, phát xuất từ triền tây của dãy núi Hàm Ninh, tiếp nhận nước của hàng trăm con suối định kỳ chảy khúc khuỷu quanh cánh đồng rừng Cấm và đồng Cây Sao, đồng Bà, rồi đổ ra biển. Hải lưu và gió mùa đã tạo dựng một lưỡi cát dài theo sông chảy ra. Lưỡi cát nầy khiến cho nghẽn sông khi chảy ra biển. Mùa nồm, sóng biển đem cát lấp cửa sông, do đó mà có tên Cửa Cạn. Ghe muốn vào sông phải hợp năm bảy chiếc đợi sẵn trước cửa. Khi triều xuống người ta đem cuốc, leng đào một lối thoát nước xuyên qua lưỡi cát, nhờ đó nước sông đổ ra biển, làm cho đường nước rộng nhanh. Rồi ghe tàu mới có thể vào được. Khoảng một tuần sau, vài đám giông lại làm cho Cửa Cạn lấp lại như cũ.
Cửa Cạn là một con sông nho nhỏ, đem phù sa từ vùng núi Hàm Ninh bồi đắp thành một bình nguyên, chưa được khai thác đúng mức. Thượng nguồn sông Cửa Cạn có cánh đồng Bà, người địa phương gọi là “Đồng Bà Kim Giao”. Tục truyền rằng bà Kim Giao là một phụ nữ khởi xướng việc làm ruộng lúa nước ở Phú Quốc đầu tiên. Bà đưa trâu từ đất liền ra, khai thác và phát triển ruộng lúa trên cánh đồng nầy. Hiện giờ còn nhiều dấu vết nông cụ và còn những con trâu hoang của bà Kim Giao sống trong vùng rừng Hàm Ninh. Men theo dòng sông Cửa Cạn, cây cỏ nguyên thủy còn nhiều ở rừng sác, có cả loại cây tràm lâu đời. Tại cửa sông, xóm dân cư Cửa Cạn êm đềm sinh hoạt về nghề đánh cá và làm nước mắm. Đối diện ở phía nam là một bãi cát dài 1.000 mét. Rồi một mũi đá nhô ra. Mũi Gành Lớn, phía nam của mũi là bãi biển Dương Đông.
Cửa Cạn như ta biết, vào mùa nồm cửa sông thường bị cát bồi lấp, do đó mà có một truyền thuyết rằng vào năm 1868, trong lúc nghĩa quân của ông Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp bao vây thắt ngặt, bà vợ của ông từ Ba Trại được tổ chức vượt đường trốn ra. Bà đi bằng ghe theo dòng sông Cửa Cạn để ra biển, có ý vượt biển vào đất liền. Nhưng vào mùa cửa sông bị cát lấp, ghe của bà phải mắc kẹt tại đây. Bà đang có mang, vì đường sá vất vả, vận động quá sức, bà sanh thai non giữa một đêm mưa gió hãi hùng tại vàm Cửa Cạn. Biển động thét gào. Giặc Pháp bao vây, bà không còn phương kế thoát thân, dân chúng các xóm đều bị giặc Pháp bắt gom hết về thị trấn Dương Đông, không ai đến chăm sóc cho bà được. Sức bà cùng kiệt giữa đêm mưa. Bà bị băng huyết mà chết. Hài nhi non ngày lại thiếu sữa mẹ, cùng chết theo. Có mấy ngư dân gan góc, lần mò qua mắt quân thù, cốt tìm theo bảo vệ bà. Nhưng khi tìm gặp, thì hai mẹ con bà không còn sống được. Họ lén mang thi hài hai mẹ con bà giấu vào một bọng cây. Sau đó tạm yên, dân chúng đem hài cốt hai mẹ con bà chôn cất tử tế tại bãi Ông Lang (Cửa Cạn).



Những người dân Cửa Cạn ngày nay được xem như là dân "gốc" của Đảo. Những dãy núi hoang vu, những hòn đảo trơ lạnh, những khu rừng rậm rạp dưới sức lao động của con người, các đảo khơi đã trở thành những vườn tiêu xanh tươi, những hàng dừa mát rượi, những liếp sầu riêng thơm phức. Những bãi cát vàng hoang phế, cây cỏ um tùm đã trở thành những xóm thôn yên ả, những triền núi cằn cỗi khô khan trở thành những vườn cây ăn trái xum xuê, mượt mà; những cửa sông chập chùng ghềnh thác đã trở thành những khu chợ sầm uất, những bến cảng đông vui tấp nập tàu thuyền...

(trích một phần tư liệu)

Tính cách phóng khoáng, trượng phu nghĩa hiệp được truyền từ đời cha ông còn lưu giữ trong cung cách ứng xử của những cư dân trên đảo từ anh Hoàng, anh Dũng, anh chị Trí Phụng, Thầy Phong - Chùa Phước Thiện,... và nhiều anh em bạn bè khác với phong cách phóng khoáng, ngang tàng của vùng trời biển bao la đã tận tình giúp đỡ cho đoàn từ thiện triển khai công việc một cách ân cần, chu đáo.

TTMT đã tổ chức nhiều đợt khám và điều trị thần kinh cột sống cho dân nghèo nhưng tại vùng đảo Phú Quốc xa xôi, ngoài sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của những "người anh em tại chỗ" đã góp phần rất lớn cho hiệu quả thành công của đợt khám chữa bệnh, Từ thiện Minh Tâm xin tri ân tạc dạ!

Rời đảo sau buổi làm việc với Chủ tịch Huyện Đảo Phạm Vũ Hồng, TTMT hứa sẽ quay lại vào cuối năm để triển khai mổ mắt cho các bệnh nhân nghèo thuộc hai xã Gành Dầu và Cửa Cạn. Vùng đảo Ngọc với những con người chân chất khai phá - mang trong huyết quản dòng máu phiêu lưu, quyết chí của một dân tộc khai sơn phá thạch, đưa biên giới Tổ quốc anh hùng đến tận nơi đây, đang hợp sức bảo vệ và gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc - luôn xứng đáng để các đoàn từ thiện dành thời gian quan tâm chăm sóc.