TTMT với các hoạt động thiện nguyện chính gồm: Khám chữa bệnh; Mổ đục thủy tinh thể; Chăm sóc thiếu nhi mồ côi, khuyết tật; Khuyến học; Xây dựng cầu đường nông thôn,... TTMT rất vui chào đón bạn tham gia các hoạt động của đoàn.

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2009

Chuyến đi miền Trung : Phần 2 Biển xanh nổi sóng

Mời các bạn xem tiếp loạt bài viết của anh Phạm Chí về chuyến đi miền Trung: phần 2 - Biển xanh nổi sóng viết về thời gian đoàn lưu lại Đảo Lý Sơn. Ai đã từng ra Phú Quốc, Côn Đảo thì nên một lần đến Lý Sơn, về thiên nhiên có phần vượt trội vì có rừng có bãi biển đẹp, nước trong xanh, cảnh quan trên nền địa chất kiến tạo từ đất đá phún trào núi lửa có từ triệu năm trước bị xâm thực tạo nhiều hang động ven biển đẹp tuyệt vời, về phong thủy thì chưa nơi nào như Lý Sơn có đủ năm ngọn núi theo thế ngũ hành - trấn giữ biển Đông. về sản vật dồi dào nguồn tôm cá, rong biển, về đặc sản có thương hiệu tỏi Lý Sơn nổi tiếng cả Trời Âu, về con người chất phác, cần cù, trọng tình làng nghĩa xóm, lạc quan và mến khách! Nào xin mời các bạn....

Chiếc tàu cao tốc đi đảo Lý Sơn khởi hành 8g sáng. Chúng tôi đến trước 15 phút nhưng không còn vé ngồi, đành phải mua vé đứng ( chẳng lẽ quay về ). Vé ngồi, vé đứng giá bằng nhau : 70.000$… trên tàu nêm chặt người lẫn hàng hóa, chúng tôi phải đứng ở cạnh tàu, có người đứng trên cả mui!

II---01

Tàu hụ một hồi dài rồi xuất bến, bỏ lại thành phố Quảng Ngãi phía sau, bỏ lại luồng bọt nước trắng xóa nỗi bật trên nền biển xanh…gió biển thổi mạnh vì vận tốc tàu khá nhanh. Nhìn con tàu chật cứng và tóc ai cũng rối tung trong gió biển tôi nghĩ có lẽ lúc ấy mình trông giống “ Boat people” của thập niên 1979 – 1989…

Càng ra xa biển càng xanh, càng đẹp. Tít mù phía chân trời, một dãy đất mờ nhạt bé xíu, người trên tàu nói đó là Lý Sơn. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp vài chiếc thuyền đánh cá chạy ngược chiều trở về phía đất liền, và đây đó từng đoàn hải âu ngã nghiêng, lượn lờ trên sóng biển.

II---02II---03II---04

Chúng tôi gợi chuyện với vài người dân Lý Sơn trên tàu, họ nói : Dân trên đảo chủ yếu sống bằng ngư nghiệp, nhưng giờ đây nghề này đang lao đao vì thuyền đánh cá hể vào gần vùng biển Hoàng Sa là hải quân Trung Quốc bắt giữ ngư dân làm con tin để đòi tiền chuộc! Chuyện này ai cũng biết vì báo chí vẫn đưa tin hàng ngày, nhưng có giáp mặt với người dân Lý Sơn mới thấy hết sự đau khổ khi nồi cơm gia đình họ bị chính quyền Trung Quốc đập bể không thương tiếc.

(Xem thêm :

http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/06/855111/

http://www.tienphong.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=164992&ChannelID=2

http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/06/3BA109EE/

Họ nói chuyện bắt bớ diễn ra từ nhiều năm rồi, lúc trước người dân còn cố gắng làm lụng để lấy tiền đi chuộc thân nhân. Nhưng sau này chính quyền Việt Nam kêu gọi không nên đem tiền chuộc, vì như thế là mặc nhiên công nhận vùng biển này của Trung Quốc, ta vi phạm nên ta mới chuộc!

Câu chuyện không thâu ngắn được quảng đường dài, lúc này tàu đang lênh đênh giữa biển. Nhìn lên chỉ thấy trời xanh, mây trắng, nhìn xuống chỉ thấy bọt nước trắng và biển xanh… Có lẻ ngàn năm trước trời và biển cũng chỉ như thế, cũng đám mây trắng kia, cũng biển xanh này, cũng cánh hải âu nọ. Trên sóng nước dập dềnh và trong tiếng sóng ầm ì vỗ vào mạn thuyền, đột nhiên tôi thấy thời gian như cuộn tròn lại, không gian như hòa lẫn vào nhau…tôi mơ hồ như nghe thấy tiếng đao kiếm, binh khí va chạm,…rồi có tiếng hò hét nào đó đồng vọng trở về từ quá khứ…

“ Với tham vọng thôn tính nước Đại Việt, nhà Nguyên cho Thoát Hoan đem 30 vạn quân từ phía bắc tràn qua biên giới rồi bao vây Thăng Long từ tháng Giêng 1285

Trong khi đó Toa Đô cùng Ô mã Nhi dẫn 20 vạn quân và hàng ngàn chiến thuyền ( lúc ấy đang đóng tại Chiêm Thành ) từ Thanh Hóa theo đường biển vào sông Hồng đóng quân tại Hàm Tử.

Tháng 4 / 1285 quân ta thực hiện phản công. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật thống lãnh 10 vạn quân tấn công quân Nguyên Trung Quốc tại bến Hàm Tử. Trong khói lửa, trong âm vang của kiếm đao va chạm vào nhau…tiếng la hét vang rền cả một góc trời. Hàng ngàn chiến thuyền của Toa Đô đóng trên bến Hàm Tử bị đánh đắm và đốt cháy. Ô mã Nhi nhanh chân trốn thoát, Toa Đô chậm chân nên bị chém rụng đầu giữa trận tiền… Người chém Toa Đô không ai khác chính là Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, lúc ấy ngày 20 / 5 / 1285

Chiến thắng Hàm Tử kéo theo những chiến thắng oanh liệt khác như trận Chương Dương, trận Tây Kết, trận Vạn Kiếp…. Trong tiệc khao quân mừng chiến thắng, Thượng tướng Trần Quang Khải cảm khái viết bài thơ

“ Đoạt sáo Chương dương độ

Cầm hồ Hàm Tử quan

Thái Bình tu trí lực

Vạn cổ thử giang san

Tạm dịch

Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù

Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu “

Tiếng còi tàu đột ngột vang lên báo hiệu tàu sắp cập bến kéo tôi ra khỏi giấc mơ quá khứ hào hùng của dân Việt để trở về với hiện tại. Đảo Lý Sơn dần hiện ra trước mắt….càng gần quang cảnh trên bến càng rõ. Khi tàu cập bên tôi lên bờ, cảng Lý Sơn bát nháo vô cùng!

II---05

( Đảo Lý Sơn nhìn từ xa

Trực nhìn ngó thấy Bàn Than

Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kỳ )

II---06

Đảo Lý Sơn còn gọi cù lao Ré, gồm 3 xã : An Vĩnh, An Hải và An Bình. Trong đó An Bình – một đảo nhỏ – nằm riêng rẽ cách đảo lớn Lý Sơn 30 phút đi bằng thuyền máy. Toàn đảo có khoảng 20.000 dân, chủ yếu sống bằng nghề đánh cá, về nông nghiệp, Lý Sơn còn có nghề trồng tỏi và dưa hấu. Về thương mại, Lý Sơn không thiếu một mặt hàng nào, nhưng giá cả mắc hơn đất liền vì chi phí vận chuyển khá cao

II---22

( Dưa hầu bán tại chợ Lý Sơn )

Ngay sáng ngày hôm ấy chúng tôi đến ủy ban xã An Vĩnh và An Hải để phát quà cho 150 hộ dân nghèo sống trên đảo. Mỗi phần quà ngoài phong bì 100.000$, còn có 2 hộp sữa và 1kg đường của bác sĩ Thái ở Tây Ninh gởi tặng. Sau đây xin mời các bạn xem một số hình ảnh trong buổi phát quà ngày 8/7/09 tại đảo biển Lý Sơn

II---07II---12II---08II---09II---10II---11II---13II---14

Phát quà xong lúc gần 12g trưa, chúng tôi đến dùng cơm tại nhà một người quen trên đảo. Gia đình này không giàu nhưng vô cùng hiếu khách, đặc biệt căn nhà tuy đơn sơ nhưng nằm sát biển, nước biển xanh và trong suốt. Đứng trong nhà ( hay bất kỳ nơi đâu sát bờ biển ) ta đều có thể trông thấy từng đàn cá bơi lội tận đáy sâu – quang cảnh đẹp đến lạ thường !

13g chúng tôi theo một chiếc thuyền máy đến thăm đảo An Bình. Nơi đây nghèo nhất Lý Sơn : không điện, không hệ thống nước ngọt, không sóng điện thoại di động. Toàn đảo có hơn 100 hộ gia đình trong đó hơn 70 hộ thuộc diện nghèo khó ! Vì thời gian quá ít nên chúng tôi chỉ có thể đi một vòng nhỏ rồi giã từ An Bình để trở về ( Dịp này chị Viên Châu âm thầm gởi tặng 74 phần quà cho bà con nghèo tại An Bình )

II---17

( Theo thuyền qua đảo An Bình )

II---18

( Một góc đảo An Bình )

II---15II---16

( Trẻ em Lý Sơn )

Buổi chiều lúc 15g trong khi các anh em bên TT Minh Tâm họp bàn với lãnh đạo Lý Sơn về việc khám bệnh phát thuốc cho bà con nghèo trên đảo sau này, tôi tranh thủ ngồi nghe anh Tám Bỉ và Minh kể chuyện “ Khao lề, thế lính “ tại Lý Sơn

“ Trường sa mây nước mênh mông

Người đi thì có mà không thấy về

Hoàng sa mây nước bốn bề

Tháng ba khao lề thế lính Hòang Sa”

Lễ “ Khao lề thế lính” là một cuộc lễ cầu nguyện cho những người chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ 2 đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Lễ được tổ chức tại Âm Linh Tự trên đảo Lý Sơn, trong ngày này người ta làm những hình nhân bằng đất và những chiếc thuyền nhỏ bằng gổ hoặc giấy rồi thả xuống biển kèm theo hoa, quả, cùng các lễ vật khác. Lễ “ Khao lề thế lính” có mặt trên đảo từ hàng trăm năm nay, được tổ chức vào tháng 4DL, tức khoảng tháng 3 ÂL ( trong tiết Thanh Minh )

II---23

Các anh em Minh Tâm họp xong lúc khoảng 16g30, chúng tôi được người dân địa phương dùng xe gắn máy chở đến tham quan chùa Hang. Chùa Hang nằm sát bờ biển, sự xâm thực của nước và gió biển tạo nên một hang động đẹp tuyệt vời. Chiều xuống, ánh sáng mặt trời tạo nên vầng ráng đỏ lấp lánh trên mặt biển trước cửa hang càng làm khung cảnh tăng thêm phần mỹ lệ và kỳ ảo….

II---19II---20II---21

Buổi tối, cùng với các bạn bên Minh Tâm và vài người bạn sống trên đảo ngồi uống nước trong một quán sát bờ biển. Đêm nay trăng 16 tỏa ánh sáng khắp nơi : trên lá cây, trên đá tảng, trên những con sóng lấp lánh ngoài khơi…Người xưa nói : “ Nhất ba tài động, vạn ba tùy…” Một ngọn sóng dấy động lên kéo theo hàng vạn con sóng khác cùng dấy động. Cuộc đời có lẽ cũng vậy, khi việc này khởi lên sẽ kéo theo biết bao chuyện khác…trùng trùng duyên khởi … Sinh rồi diệt, có rồi không, được rồi mất chúng sanh quay cuồng, đắm chìm trong vòng nhân quả. Vẫn biết thế gian là vô thường, vẫn biết nhân quả theo nhau như hình với bóng nhưng trước cuộc vô thường dâu bể sao mình vẫn thấy đau đớn, bồi hồi?!… Có lẽ vì tôi không phải thiền sư đắc đạo, tôi chỉ là kẻ phàm phu đang học đòi tìm đường liễu sinh thoát tử!

Đêm giã từ Lý Sơn trăng thật sáng trên mặt biển… ánh trăng như thực, như ảo làm say đắm kẻ phàm phu u muội là tôi. Nhìn trăng trên biển bất chợt lại nhớ bài kệ thuở nào của ngài Từ Đạo Hạnh

Tác hữu trần sa hữu

Vi không nhất thiết không

Hữu không như thủy nguyệt

Vật trước thị không không

( Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Thử xem bóng nguyệt lòng sông

Ai hay không có có không là gì )

( Đón xem phần cuối : ” Nền củ lâu đài bóng tịch dương “)