TTMT với các hoạt động thiện nguyện chính gồm: Khám chữa bệnh; Mổ đục thủy tinh thể; Chăm sóc thiếu nhi mồ côi, khuyết tật; Khuyến học; Xây dựng cầu đường nông thôn,... TTMT rất vui chào đón bạn tham gia các hoạt động của đoàn.

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2009

Chuyến đi miền Trung : Phần 3 Nền cũ lâu đài bóng tịch dương ....

Phần cuối của loạt bài viết về Chuyến đi Miền Trung của anh Phạm Chí - Nền cũ lâu đài bóng tịch dương ... tiếp tục chặng đường cùng đoàn Từ thiện Minh Tâm đến Bình Định, vùng đất địa linh nhân kiệt với bao thăng trầm lịch sử. Xin cám ơn Anh Tuân - Trưởng đại diện Báo SGGP khu vực miền Trung, các PV của Báo, các thành viên của đoàn tại các tỉnh miền Trung và đặc biệt Doanh Nghiệp Mỹ Tài đã là cầu nối cho đoàn gặp gỡ các Tổ chức địa phương và tìm hiểu khảo sát nhu cầu khám chữa bệnh cho dân nghèo. Trước mắt ngày 15/8 đoàn Y Bác sĩ TTMT sẽ ra Thăng Bình mổ cho 100 BN nghèo trong huyện. Mong rằng với sự kết nối của những trái tim nhân ái, TTMT sẽ đến với đồng bào miền Trung ruột thịt còn nhiều gian nan, nghèo khổ....

Buổi sáng thứ Năm 9 / 7 / 09, sau khi rời đảo Lý Sơn vào đất liền chúng tôi trực chỉ Bình Định.

Xe chạy ra khỏi địa phận Quảng Ngãi, dọc đường nếu bạn để ý sẽ thấy nhiều ngọn tháp màu đất đỏ nỗi bật trên nền trời xanh, dấu tích của nền văn hóa Chăm Pa. Nhìn những ngọn tháp cổ ai chẳng bùi ngùi cho cuộc bể dâu…bởi Bình Định xưa kia vốn là đất của vương quốc Chiêm Thành.

thap---02

( Tháp Chăm ở Bình Định, di tích một thời huy hoàng của vương quốc Chiêm Thành còn xót lại – hình search trên Google – xin tác giả ảnh hoan hỷ, mục đích của người viết muốn giới thiệu về một nền văn hóa cổ )

“ Năm 982 vua Chiêm Thành là Xá Lợi Đà Ngô Nhật Hoan vào nơi này đóng đô gọi là Đồ Bàn. Nhật Hoan hiệu là Đồ Bàn ( Cho Pan ) nên lấy tên đặt cho thủ đô

Năm Bính Thìn ( 1376 ) vua Trần Huệ Tông cử 12 vạn quân thủy, bộ đánh vào Đồ Bàn, vua Chiêm bấy giờ là Chế Bồng Nga bày kế giết được vua nhà Trần và đánh tan 12 vạn quân. Cũng trong thời Chế Bồng Nga quân Chiêm đã 4 lần tấn công vào kinh đô Thăng Long, đây là thời kỳ hưng thịnh nhất của Chiêm Thành

Năm Quý Mùi ( 1403 ) Hồ Hán Thương cho người đem 20 vạn quân tấn công Đồ Bàn nhưng cuối cùng bị người Chiêm phản công đánh tan 20 vạn quân

Đến năm Canh Thìn ( 1470 ), vua Chiêm là Trà Toàn đem quân đánh vào Hóa Châu. Vua Lê Thánh Tông cầm quân đánh dẹp, Trà Toàn đại bại rút về Đồ Bàn. Vua Lê Thánh Tông tiếp tục đuổi đánh, phá tan quân Chiêm, bắt được Trà Toàn và Đồ Bàn bị chiếm. Sau đó vua Lê sát nhập Đồ Bàn vào đất Việt, đổi Đồ Bàn thành phủ Hoài Nhơn

Năm Tân Mão ( 1771 ) nỗ ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn của 3 anh em : Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ

Năm Bính Thân ( 1776 ) Nguyễn Nhạc xưng vương, lấy Quy Nhơn làm kinh đô, cho sữa sang lại thành Đồ Bàn cũ đổi tên là Hoàng Đế Thành

Sau này Nguyễn Phúc Ánh ( Gia Long ) nhờ quân Pháp giúp đánh thắng nhà Tây Sơn, Quy Nhơn không còn là kinh đô và thành Đồ Bàn ( Hoàng Đế thành, ngày nay chính là huyện An Nhơn cách thành phố Quy Nhơn 27km ) một lần nữa phải hứng chịu ngọn gió vô thường

III---01

( Một con đường ở Quy Nhơn )

Xe đến Quy Nhơn khoảng 15g, hôm nay thi đại học nên đường phố đông hơn mọi ngày. Thành phố Quy Nhơn cách Sài Gòn 690Km nhỏ nhưng đẹp và thơ mộng, ba mặt: bắc, tây, nam núi cao chập chùng, phía đông biển xanh ầm ì sóng vỗ. Trung tâm Quy Nhơn có tượng đài vua Quang Trung nhưng rất tiếc thời gian không có nên không chụp được hình bức tượng này.

“ Mãn vui Hương Thủy, Ngự Bình

Ai vô Bình Định với mình thì vô

Chẳng lịch bằng kinh đô

Bình Định không đồng khô cỏ cháy

Năm dòng sông chảy

Sáu dãy non cao

Biển Đông sóng vỗ dạt dào

Tháp xưa làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh”

( Ca dao Bình Định )

16g cùng ngày, các bạn bên TT Minh Tâm đến làm việc với Hội chữ thập đỏ Tỉnh Bình Định, chuẩn bị chuyến khám bệnh phát thuốc cho đồng bào nghèo sắp tới.

Chiều và tối hôm ấy chúng tôi đi tham quan một vòng Quy Nhơn. Trước tiên chúng tôi đến tham quan cầu Thị Nại, cây cầu vượt biển lớn nhất Việt Nam nối Quy Nhơn và bán đảo Phương Mai ( khu kinh tế Nhơn Hội ). Dọc đường đi có nhiều cồn cát rất đẹp, lúc này máy ảnh hết pin nên nhiều hình ảnh rất hay nhưng không chụp được!

III---02

( Cầu Thị Nại )

III---03

( Một góc đầm Thị Nại, tiếng Chăm Pa là Thi Li Bi Nai, tên của hải cảng vương quốc Chăm Pa ngày trước )

III---04

( Chiều trên cồn cát Quy Nhơn )

Hoàng hôn phủ xuống Quy Nhơn, khi những ánh đèn vàng dọc theo bờ biển lung linh cũng là lúc chúng tôi đến thăm mộ của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Cách đây gần 10 năm tôi có dịp đến thăm trại phong Quy Hòa, lúc ấy mộ của Hàn thi sĩ nằm ở phía trong, bây giờ được dời ra phía ngoài. Nói đến Quy Nhơn không ai không biết Hàn Mặc Tử, cùng với các nhà văn, nhà thơ : Yến Lan, Chế Lan Viên, Quách Tấn, tất cả bốn vị được người Bình Định gọi là : Bàn Thành Tứ Hữu ( Bốn người bạn của thành Đồ Bàn )

III---05

( Mộ của thi sĩ Hàn Mặc Tử )

Đêm Quy Nhơn trăng vẫn sáng, quán nước chúng tôi ngồi không xa ngôi mộ của Hàn thi sĩ và có con đường nhỏ dẫn ra ngoài bãi biễn. Một người bạn Quy Nhơn dẫn chúng tôi theo con đường ra đến bãi sõi, những viên sỏi khổng lồ nằm xếp lớp dưới ánh trăng. Phía xa mặt biển phản chiếu ánh trăng mười bảy lấp lánh như bạc…huyễn hoặc như những câu thơ của thi sĩ họ Hàn…

“ Nhớ khi xưa ta là chim Phượng Hoàng

Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất

Bay từ Đao Lỵ đến trời Đâu Xuất

Và lùa theo không biết mấy là hương

Lúc đằng vân gặp ánh sáng chận đường

Chạm tiếng nhạc, va nhằm thơ thiên cổ

Ta lôi đình thấy trăng sao liền mổ

Sao tan tành rơi xuống một cù lao

Hóa đài điện đã rất nên tráng lệ

Ở ngôi cao, ngước mắt ra ngoài bể

Phong lưu ghê, sang trọng chẳng vừa chi

Ta mê man như tới chốn Phượng Trì

Ở mãi đấy không về Thiên cung nữa…”